Năm nào cũng vậy, khi hoa phượng bắt đầu nở rộ, đỏ rực cả góc sân trường báo hiệu mùa hè đã đến là những người giáo viên vùng cao lại thấy có chút man mác buồn. Chúng tôi thoáng có chút phiền muộn trong lòng là bởi vì khi mùa hè đã đến kèm theo đó là những cơn mưa không báo trước khiến con đường đi lại nơi vùng cao này trở nên rất đáng sợ. Những người giáo viên vùng cao đang công tác trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông đều thấm thía những cảnh đi lại vất vả bởi những con đường trải đất đỏ ở những nơi vùng cao của mảnh đất phía Tây Bắc.
Mùa mưa trên dẻo cao thường diễn ra nhiều ngày mà mỗi khi trời mưa thì con đường đến trường của các em học sinh trường tôi, cũng như các thầy cô giáo tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần về thăm gia đình càng vất vả hơn. Trời nắng thì bụi, trời mưa thì lầy lội bùn đất. Nhìn những nụ cười bé nhỏ ấy đến trường mà quần áo lấm lem toàn đất khiến chúng tôi những người gieo chữ nơi đây không khỏi xót xa. Nếu như học sinh ở vùng thuận lợi tuổi thơ của các em sẽ là những bộ quần áo đẹp, những cái bút óng ánh sắc màu thì ngược lại học sinh Tìa Dình chúng tôi lại chỉ có bùn đất bám theo các em suốt cả tuổi học trò…
Trời mưa, con đường đi lại rất khó khăn, chúng tôi đi vào trường mà không biết mình đã ngã bao nhiêu lần, chân tay thâm tím bao nhiêu chỗ nhưng dù thực tại có khó khăn đến đâu thì chúng tôi vẫn cố gắng vượt qua để làm tròn trách nhiệm của mình. Vì chúng tôi biết, nếu quãng đường kia khiến chúng tôi gục ngã thì tương lai của các em nhỏ nơi đây sẽ không còn tươi đẹp như những cánh hoa phượng kia nữa…
Có lần, các em học sinh nhờ chúng tôi mua cho những quyển sách giáo khoa nhưng khi vào trường không may trời mưa xối xả, đồ đạc và quần áo gần như ướt hết nhưng chúng tôi vẫn để những quyển sách ấy trong áo của mình để sách khỏi bị ướt. Đến nơi, thấy thầy giáo ướt hết cả người nhưng sách vẫn còn nguyên vẹn, một em học sinh của tôi có chạy đến ôm tôi và nói: “ Em thương thầy và em ghét trời mưa. Vì trời mưa mà thầy bị ướt”. Câu nói của một cậu học trò nghèo lớp sáu khiến chúng tôi không kìm được cảm xúc của mình, nước mưa và nước mắt của thầy và trò hòa lẫn vào nhau khiến cảm xúc đặc biệt khó quên. Chúng tôi, có thể ướt nhưng những quyển sách kia thì không thể ướt được vì đó là cả tương lai của những đứa trẻ nơi đây. Cho dù con đường đến trường có trơn trượt, nhiều sỏi đá thì chúng tôi vẫn vượt qua bởi chúng tôi mang trong mình lòng yêu nghề và vẫn là những người lái đò vững tay chèo để đưa những con đò nhỏ đến với bến bờ tri thức.
Có một câu danh ngôn đã nói rằng: “Nếu người kĩ sư vui mừng nhìn thấy cây cầu mà mình vừa mới xây xong, người nông dân mỉm cười nhìn đồng lúa mình vừa mới trồng thì người giáo viên vui sướng khi nhìn thấy học sinh đang trưởng thành, lớn lên”. Đúng vậy, chúng tôi muốn mình là một người kĩ sư tâm hồn để nhìn thấy hành trình hoàn thiện nhân cách trong từng lớp măng non và các thầy, cô giao sẽ là một nấc thang trong bước đường đi tới vinh quang của các em.
Chúng tôi yêu nghề giáo và luôn tự hào, thủy chung với nghề mình đã chọn.
Để đất nước phát triển thì có bốn yếu tố quan trọng là: điện, đường, trường, trạm. Nhưng quả thực, con đường gieo chữ nơi vùng cao còn quá nhiều thử thách, chỉ mong rằng Đảng và nhà nước quan tâm nhiều hơn đến đời sống của nhân dân và những con đường trải bê tông sẽ sớm đến với những xã vùng xâu, vùng xa. Để những đôi dép tổ ong kia sẽ giữ nguyên được màu trắng tinh khôi chứ không phải ngả màu vì bùn đất như bây giờ….